Ðể có những màn múa này, các nghệ sĩ múa Hà Nội đều ở độ tuổi 60-70 với nửa thập kỷ tìm tòi và phục dựng. Một trong những người nổi bật là PGS, TS, NSND Lê Ngọc Canh - Chủ nhiệm đề án "Sưu tầm và phục hồi múa cổ Thăng Long".
Tiết mục múa Bài Bông của người dân huyện Phú Xuyên.
Xắn quần, đi xe ôm... tìm điệu múa
Nhớ lại những tháng ngày cùng với các cộng sự lọ mọ đi tới các làng, xã của Hà Nội tìm những điệu múa cổ, giọng kể của NSND Lê Ngọc Canh vẫn hào hứng lắm. Ông kể, có hôm ba, bốn nghệ sĩ đang đi giữa đường, thì trời mưa, ướt hết cả, vào các làng, phải đi qua cánh đồng, bùn đất lấm lem... Có lẽ thấy được sự tâm huyết với múa cổ của các nghệ sĩ già, mà dân làng đã không giấu "vốn quý" của cha ông để lại nữa. Ở Phú Xuyên, có cụ Ga vẫn nhớ nguyên vẹn điệu múa Bài Bông, dù cụ đã 94 tuổi. Khi biết có đoàn đi sưu tầm điệu múa cổ, cụ đã rất ủng hộ và gọi các cháu trong nhà đến để dạy lại các bài múa, đồng thời nói tường tận ý nghĩa của điệu múa ấy. "Cụ Ga đã mất cách đây hơn một năm, nếu chúng tôi không đi tìm cụ, được cụ truyền dạy cho điệu múa đó, thì có lẽ khó mà khôi phục nguyên bản điệu múa Bài Bông trong dịp biểu diễn Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" - NSND Lê Ngọc Canh nói.
Khó khăn, vất vả là thế, nhưng không phải chuyến đi nào của NSND Lê Ngọc Canh và các cộng sự cũng thu được kết quả như dự định, bởi những nghệ nhân hiểu biết về múa cổ ngày càng hiếm hoặc đã già yếu, không thể múa được nữa. Tìm và thuyết phục người dân đã khó, thuyết phục các nhà sư thể hiện các điệu múa bấy lâu nay chỉ diễn trong chùa để đưa lên sân khấu cho công chúng biết còn khó gấp bội. NSND Lê Ngọc Canh cho biết, các nhà sư quen sống khép kín, mời được các nhà sư ra tập múa không phải đơn giản. Nhưng nhờ sự thấu hiểu giá trị của công trình và "cảm" được công sức của nhóm nghệ sĩ già, các nhà sư đã vui lòng vào cuộc và đã đem đến những điệu múa đẹp nhất cho chương trình - đó là màn múa Lục cúng, được Hòa thượng Thích Quang Hy, trụ trì chùa Minh Quang (Ðống Ða) cùng các tăng lữ thể hiện trong Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội dưới chân tượng đài vua Lý Thái Tổ...
Ðề án "Sưu tầm và phục hồi múa cổ Thăng Long" được triển khai năm 2005, bắt nguồn từ công trình nghiên cứu "Kế thừa, phát triển nghệ thuật múa Thăng Long - Ðông Ðô - Hà Nội", đề tài cấp thành phố do NSND Lê Ngọc Canh làm chủ nhiệm. Công trình được thực hiện từ năm 1986, nghiệm thu năm 1988, đã xác định được 54 điệu múa cổ của Thăng Long xưa còn tồn tại đến ngày nay, trong đời sống của dân cư ở các làng, xã Hà Nội. Triển khai trên nền lý thuyết, NSND Lê Ngọc Canh cùng các nghệ sĩ múa Hà Nội đã phục hồi được 28 điệu múa cổ. Bước đầu, việc sưu tầm, nghiên cứu và phục hồi những điệu múa xưa đã được tiến hành tại một số xã, phường như Nhật Tân, Lệ Mật, Triều Khúc...
Tiếp tục "mối duyên" với múa cổ
Ðề án "Sưu tầm và phục hồi múa cổ Thăng Long" nếu theo lý thuyết, đã kết thúc sau chương trình "Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa mừng Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội". Nhưng NSND Lê Ngọc Canh vẫn trăn trở với ý tưởng phục hồi tiếp những điệu múa cổ mà chính ông đã từng được xem trong quá khứ, từ trước ngày giải phóng Thủ đô, mà đến nay ông vẫn chưa tìm lại được. NSND Lê Ngọc Canh cho rằng, múa cổ gắn với lễ hội. Văn hóa làng còn, lễ hội còn, thì múa cổ sẽ trường tồn. Chính vì vậy, múa cổ không thể cứ đi biểu diễn ở sân khấu nọ, hội diễn kia thì người dân mới biết đến, mà hơn hết, phải để múa cổ tồn tại trong không gian, trong cộng đồng dân cư đã sản sinh và giữ gìn điệu múa đó.
Tuy nhiên, việc gìn giữ múa cổ cho đời đời con cháu về sau không thể chỉ khép kín trong cộng đồng dân cư, mà phải cho công chúng và bạn bè quốc tế biết rằng, Thăng Long - Hà Nội đã có và hiện có những sáng tạo nghệ thuật độc đáo-là những điệu múa cổ. Bởi vậy, NSND Lê Ngọc Canh đã tiếp tục nối dài đề án "Sưu tầm và phục hồi múa cổ Thăng Long" bằng việc hiện đại hóa múa cổ với những sáng tác chuyên nghiệp dựa trên chất liệu múa cổ. Bên cạnh đó, NSND Lê Ngọc Canh cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan có liên quan tổ chức quay phim các điệu múa gắn với không gian, môi trường và cộng đồng của điệu múa ấy; dự kiến các bộ phim về múa sẽ được thực hiện, với lời thuyết minh bằng tiếng Việt và tiếng Anh, để lưu giữ cho các thế hệ con cháu cũng như để "khoe" với thế giới. Bên cạnh đó, ý tưởng xây dựng từ điển múa cổ cũng đã được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đồng thuận.
"Kết duyên" với múa từ năm 1947 khi mới 13 tuổi, NSND Lê Ngọc Canh từng làm diễn viên múa ở Ðoàn văn công Tổng cục Chính trị, đi tu nghiệp về múa ở Bun-ga-ri rồi làm tổng biên tập tạp chí của ngành múa... Sau khi về hưu, ông vẫn tham gia giảng dạy, tham gia nhóm điền dã nghiên cứu các điệu múa dân tộc thiểu số, múa cổ Thăng Long, sáng tác các tác phẩm múa, tổng đạo diễn nhiều chương trình nghệ thuật lớn... Gặp chúng tôi ở Ðại hội đại biểu Hội Liên hiệp văn học - nghệ thuật Hà Nội vừa tổ chức vào những ngày đầu tháng 7 này, NSND Lê Ngọc Canh cho biết, ông và các nghệ sĩ khác mới đi được một phần của cuộc hành trình hồi sinh múa cổ Thăng Long. Ông hy vọng có sức khỏe, bởi ông còn đam mê, khát khao được tiếp tục cùng các nghệ sĩ tham gia cuộc hành trình tìm kiếm, phát triển để múa cổ - một tinh hoa văn hóa Hà Nội hồi sinh rạng rỡ trong cuộc sống.
Theo Nhân Dân điện tử