Làng xưa thành phường mới

Đề án mở rộng địa bàn hành chính của Hà Nội, đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ III, Quốc hội khóa VII (5-2008). Mặc dù đề án mở rộng Hà Nội vẫn “kín như bưng” với giới chuyên môn, nhưng dư âm của các vùng phụ cận Hà Nội lại mừng thầm vì được “từ làng lên phố”.

Trên mảnh đất Hà Nội hôm nay, hầu như mỗi bước ta đi đều chạm vào lịch sử. Từ những tên làng xưa, cái thời trước khi có 36 phố phường, thời gian cứ bồi đắp thêm cho những mùa xuân tươi trẻ mãi ra. Những Đại Cồ Việt, Vạn Xuân, những cửa ô Yên Phụ, Đông Lầm, Lê Thái Tổ, Lê Đại Hành, Hàng Mắm, Hàng Chuối… Mỗi con đường của phố phường Hà Nội hôm nay mang trong lòng nó biết bao sự tích, bao nhiêu thay đổi. Nói như Andecxen, nhà văn Đan Mạch, mỗi phố là một tủ sách, mỗi con người là một cuốn sách, ta sẽ gặp biết bao nhiêu điều kỳ thú.

Phố 296 nay mang tên nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, phố 325 nay mang tên phố Thể Giao, các phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tô Hiến Thành, Bà Triệu, Đoàn Trần Nghiệp, Thái Phiên, Mai Hắc Đế, Cao Đạt, Đội Cung vẫn đang hiện diện cùng ta trong thời đại có Đảng dẫn đường từ thế kỷ XX  đến nay.

Phường Lê Đại Hành, tên ông vua Lê Đại Hành tức Lê Hoàn, người đã có công dẹp giặc Tống năm ấy, đang tượng trưng cho một địa bàn rộng gần 0,85km2 gồm 12 đường phố, 11 ngõ xóm với 66 tổ dân phố của 10 khu dân cư. Trên 13 nghìn con người đang sống và lao động trên đất phường Lê Đại Hành là trên 13 nghìn cuốn sách mà ta chưa có điều kiện giở ra để đọc. Tuy vậy trên cái địa bàn nhỏ này, ta có thể đi lại trong công viên Thống Nhất, bước lên đảo Hòa Bình nghe vượn hú, chèo thuyền trên hồ nước xanh, và nếu ai đó ưa nghiên cứu lịch sử thì kia, nền đàn Nam Giao còn gợi tứ thơ, cửa ô Đồng Lâm còn bảng lảng những cô thợ nhuộm mặc áo dài một thời Hà Nội cũ. Hai cái tên Hậu Phong Vân và Long Hồ được ghép lại thành làng Vân Hồ vẫn còn đó với 3 phố Vân Hồ 1, 2, 3 và Trường PTCS Tây Sơn với trên 1 ngàn học sinh, trường THCS Vân Hồ gần 2 ngàn học sinh là con em những người lao động.

Một thời chưa xa, người ta đã lưu truyền một cái tên để nói lên sự đau khổ của vùng ven nội này “Bang muỗi đốt”! Những váng rêu nổi lềnh bềnh trên hồ Bảy Mẫu, trên mặt sông chết “Kim Ngưu” là nơi sinh ra xú uế, nơi chứa rác bẩn của thành phố, nơi ở của ruồi, muỗi, chuột, bọ. Suốt chín năm thành phố bị chiếm đóng, người dân ở đây không được hưởng một chút thành quả gì của văn minh khoa học. Họa chăng cái “văn minh” ấy là mấy “nhà đỏ” chứa gái mại dâm phục vụ bọn rửng mỡ và lính viễn chinh!

Mở rộng địa bàn Hà Nội, nhiều làng xã nay thành phường (ảnh minh họa).

Chỉ từ sau ngày Hà Nội được giải phóng, làng quê, ngõ cũ trở nên đất nội thành, đường phố được mở rộng, khu vực Bảy Mẫu được cải tạo thành công viên Thống Nhất. Những khu nhà được nhà nước xếp hạng di tích văn hóa. Đó là chùa của làng Vân Hồ. Tại số nhà 151 phố Bà Triệu là di tích của chùa Chân Tiên, nơi diễn ra hội thề Đông Quan, nơi Vương Thông là sứ thần nhà Minh phải cam kết của Lê Lợi là vĩnh viễn không đem quân sang xâm lược nước ta một lần nữa. Ở khuôn viên chùa Chân Tiên hiện nay còn nhà bia tưởng niệm 145 anh hùng liệt sĩ của phường Lê Đại Hành trong các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và chống quân bành trướng. Ba bà mẹ Việt Nam anh hùng và 42 anh chị em thương binh của phường đã làm rạng danh dân tộc.

Làng xưa đã thành phường mới, sức sống không chỉ là chiến đấu mà còn xây dựng với 15 chi bộ Đảng, 12 chi đoàn thanh niên, 10 phân chi hội Đảng, 12 chi đội, thiếu niên, 10 phân chi hội phụ nữ, 13 phân chi hội chữ thập đỏ và 10 ban công tác mặt trận, cụm dân cư đã và đang hoạt động mạnh trên đường phố góp phần ổn định nhiều mặt trong khó khăn chung của thành phố, tạo thêm phần ổn định an ninh, trật tự cho phường ở một khu vực tương đối phức tạp của thành phố.

Vào công viên Thống Nhất ngày nay ta yên tâm hơn trước nhiều, kể cả những ngày đêm lễ hội. Đó là vì Đảng ủy phường đã quyết tâm đẩy mạnh phong trào trật tự trị an của phường lên một bước. Trực tiếp chỉ đạo công an phường thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ đối với công an nhân dân nên trong nhiều năm qua, công an phường đạt nhiều danh hiệu tiên tiến và quyết thắng.

Chúng ta hãy nhìn vào khu triển lãm Vân Hồ, vòng qua Bộ Xây dựng, bỏ qua chợ đuổi ra đường Đại Cồ Việt đến ngã tư Kim Liên mà trước đây nhân dân thường gọi là ô Đồng Lầm nhìn rõ đường Giải Phóng đã được mở rộng thênh thang. Chúng ta sẽ liên tưởng thấy Hà Nội cũng đang băng băng về phía trước.

Theo Người Hà Nội

Đăng lúc: 28/07/2011 16:04

Bản để in Lưu vào bookmarkKết nối nhà cung cấp đặc sản, nhà sản xuất, nhà phân phối