Ngay từ đời Trần Dụ Tông, triều đình nhà Trần đã thối nát cực độ. Những vua bảo thủ về sau càng bất lực. Hồ Quý Ly bấy giờ chưa cướp ngôi nhà Trần, nhưng thực sự nắm trọn quyền bính trong tay. Tình trạng đó tạo nên một tâm lý hoang mang, chán nản trong tầng lớp quý tộc quan lại và kể cả trong nhân dân. Lớp đại quý tộc “rường cột” của vương triều Trần không còn một tý năng lực nào. Trong một bài thơ của mình, Trần Nguyên Đán đã ngán ngẩm viết:
Thế thượng phân vân vạn sự bất nan.
(Cuộc đời phân vân, muôn việc khó khăn).
Đấy là tầng lớp quý tộc, còn tầng lớp quan liêu xuất thân sĩ nhân, cũng bắt đầu chán nản tiêu cực. Những đề nghị của họ không được thực hiện, họ bất mãn với thời cuộc. Tâm lý “ở ẩn” (thực chất là buông xuôi, bỏ mặc) đã nảy sinh ra trong lòng những “thư sinh mặt trắng” tại Đông Đô. Nhà nho Lê Quát, cuối cùng đã tê tái, chua xót mà than rằng: “Niên lai thế sự dữ tâm vi” (Mấy năm gần đây, việc đời trái với lòng mình). “Việc đời trái với mình” cũng chính là lý do khiến một nhà nho khác là Phạm Sư Mạnh phải “bồi hồi tưởng nhớ khói sóng dòng khe ở Hiệp Thạch” quê nhà (Hải Dương). Càng về sau giới nho sĩ ở Đông Đô càng bất mãn, tiêu cực
 |
Sơ đồ thành nhà Hồ |
Hồ Quý Ly tăng cường củng cố lực lượng quân sự nhằm nhiều mục đích. Trước hết, Hồ Quý Ly cố nắm lấy binh quyền để đàn áp những quý tộc Trần chống đối, nhất là sau vụ Trần Khát Chân tổ chúc mưu sát ở Hội thề Đốn Sơn năm 1399, việc trấn áp càng ác liệt. Đông Đô chìm trong không khí cực kỳ căng thẳng. Ở triều đình, các quan sống trong tâm trạng lo âu, nghi kỵ lẫn nhau, còn dân chúng thì hoang mang, nơm nớp lo sợ. Sử cũ chép rằng: “Sự việc bị phát giác, bọn Tôn Thất Hãng, Trụ quốc Nhật Đôn, Tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, Hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bưu, Phạm ông Thiện, Phạm Ngưu Tất và các liêu thuộc thân thích gồm hơn 370 người đều bị giết cả, tịch thu gia sản, con gái bắt làm nô tỳ, con trai từ 1 tuổi trở lên hoặc bị chôn sống, hoặc bị dìm nước. Lùng bắt dư đảng liền mấy năm không ngớt. Người quen biết nhau chỉ đưa mắt ra hiệu, không dám nói chuyện với nhau. Nhà dân không được chứa người đi đường ngủ trọ, hễ có người ngủ trọ thì phải báo nhà láng giềng, cùng nhau xét hỏi giấy tờ, hành lý, lý do đi qua để làm chứng cứ bảo lĩnh. Các xã đều đặt điểm tuần, ngày đêm tuần tra canh giữ” (Toàn thư, tập II. Sđd. tr. 196, 197).
Khi Hồ Quý Ly lên nắm quyền bính, muốn đánh đổ thế lực chính trị của lớp quý tộc Trần, tất nhiên phải tấn công vào thế lực kinh tế của họ. Năm 1397, Hồ Quý Ly đã quy định phép “hạn điền”: “Đại vương, trưởng công chúa thì số ruộng không hạn chế. Còn các vương hầu cho đến thứ dân, ruộng chỉ được giữ 10 mẫu. Người nào nhiều ruộng được phép tự ý đem ruộng chuộc tội... ”. Năm 1401, Hồ Quý Ly thi hành chính sách “hạn nô” nhằm hạn chế sự chiếm hữu nô tỳ của tư nhân và nhân đó tăng thêm số lượng nô tỳ cho nhà vua. Đứng về phương diện người nô tỳ mà xét thì bản thân họ không được giải phóng, chỉ chuyển từ thân phận người tư nô thành người quan nô. Yêu cầu của người gia nô bấy giờ là được giải phóng thành những nông dân tự do, được chia ruộng đất. Đó là nguyên nhân khiến hàng loạt gia nô trốn ra ngoài khỏi các thái ấp, tư dinh của quý tộc, nổi dậy bạo động. Đến đời Hồ, những người nông nô cày ruộng quốc khố vẫn không được giải phóng. Năm 1399, Hồ Quý Ly đã dời những nông nô cày ruộng quốc khố ở Cao Xa (Nhật Tảo - Hà Nội) vào xã Tương Một ở Thanh Hóa, vì bấy giờ kinh đô đã dời về Thanh Hóa, ruộng quốc khố ở gần kinh đô. Nhưng một chính sách có tác động trực tiếp đến đời sống cư dân đô thị của thành Đông Đô hơn cả là chính sách cải cách tiền tệ của Hồ Quý Ly. Đấy là lần đầu tiên trong lịch sử xã hội phong kiến Việt Nam, nhà nước phát hành tiền giấy. Năm 1396, Hồ Quý Ly cho ban hành loại tiền giấy gọi là “Thông bảo hội sao”. Tiền giấy bấy giờ có 8 loại: 10 đồng, 30 đồng. 1 tiền, 2 tiền, 3 tiền, 5 tiền và 1 quan.
Chúng ta thử xét xem thái độ của tầng lớp thương nhân cả nước nói chung và thành Đông Đô nói riêng phản ứng thế nào đối với tiền giấy của họ Hồ. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng “Năm 1403, Hồ Hán Thương đặt chức Thị giám (tức người coi chợ - TG), xét định cân, thước, thung, đấu, định giá tiền giấy, cho mua bán với nhau. Bấy giờ, người buôn bán phần nhiều chê tiền giấy. Lại lập điều luật để xử tội không tiêu tiền giấy, bán giá cao, đóng cửa hàng, bao che giúp nhau”. (Toàn thư tập II. Sđd, tr. 204).
Như vậy, chúng ta thấy rằng phản ứng của thương nhân đối với tiền giấy khá mạnh. Việc nâng cao giá hàng của thương nhân là do khối lượng tiền giấy lưu thông quá nhiều. Hơn nữa, giá trị của tiền giấy lại thấp hơn tiền đồng (một quan tiền đồng bằng 1 quan 2 tiền giấy), tất nhiên là giá cả hàng hóa phải tăng lên. Thương nhân đã đóng cửa hàng, chống dùng tiền giấy, chứng tỏ cũng đủ cho chúng ta thấy rằng tiền giấy không phải là được ban hành phù hợp với yêu cầu phát triển của kinh tế hàng hóa. Hồ Quý Ly đã thất bại một cách nhanh chóng trước cuộc tiến công của quân Minh vì ông đã không được các tầng lớp nhân dân - trong đó trước tiên cần kể tới là dân chúng Đông Đô - ủng hộ. Câu nói của Hồ Nguyên Trừng: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi!”, biểu hiện rõ ràng sự cô lập của tập đoàn Hồ Quý Ly. Sau này, sử gia Ngô Sĩ Liên đánh giá rất cao câu nói trên của Hồ Nguyên Trừng, ông nói: “Mệnh trời là ở lòng dân. Câu nói của Trừng hiểu được điều cốt yếu đó. Không thể vì cớ là họ Hồ, mà bỏ câu nói của Trừng”.
Theo Lịch sử Thăng Long- Hà Nội, Nguyễn Vinh Phúc (cb), Lê Văn Lan, Nguyễn Minh Tường, NXB Trẻ, Tp.HCM, 2005.