Thăng Long - Hà Nội qua chuyện kể ngàn xưa

Những câu chuyện về Thăng Long - Hà Nội vừa đậm tính truyền thuyết, vừa là những con người có thực trong lịch sử, luôn có sức thu hút đặc biệt với người đọc, người nghe.

Kể chuyện ngàn xưa Thăng Long - Hà Nội tập hợp những câu chuyện, sự tích tiêu biểu về con người, địa danh Thăng Long - Hà Nội trong hơn 1000 năm qua. Những câu chuyện được bắt đầu từ thời tiền Thăng Long, dẫn dắt tới thời định đô và phát triển của Thăng Long, nêu bật những giá trị văn hóa, lịch sử của con người và mảnh đất ngàn năm văn vật.

35 câu chuyện với ngôn ngữ nhẹ nhàng, linh hoạt, tác giả - nhà nghiên cứu lịch sử có uy tín Lê Văn Lan - dẫn dắt người đọc đến với Thăng Long bằng những truyền thuyết, sự tích, sự kiện giúp người đọc thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất và con người Thăng Long - Hà Nội.

Có những chuyện chúng ta tưởng rằng mình đã biết, nhưng với cuốn sách này, chúng ta có cơ hội hiểu thêm thật cặn kẽ, căn nguyên những sự tích, địa danh. Với câu chuyện: Thần Núi Rốn Rồng - Thánh sông Tô Lịch, bạn đọc sẽ biết thâm núi Nùng, hay sử sách còn gọi là Long Đỗ, cũng có nghĩa là Rốn Rồng. Vào khoảng đầu công Nguyên, một nhóm người Việt cổ đi dọc dòng sông Mẹ, tìm chỗ định cư giữ đồng bằng lầy lội. Từ xa đã thấy núi Rốn Rồng nhô cao, lại có một nhánh sông Mẹ uốn quanh chân núi. Họ quyết định lập làng ở nơi mà nghìn năm sau, vua Lý Thái Tổ cũng sẽ tìm đến để định đô Thăng Long. Người đứng đầu làng Rốn Rồng họ Tô tên Lịch, ấy thế mà sau này mới lấy tên Tô Lịch đặt cho dòng sông chảy qua trước làng.

Hay như câu chuyện về đền Bạch Mã - ngôi đền cổ nhất ở Thăng Long - Hà Nội. Ngôi đền này do chính Cao Biền, viên quan đô hộ nhà Đường xây nên để thờ thần Long Đỗ - Tô Lịch, tại nơi mé ngoài cửa Đông thành Đại La, trông ra sông Tô Lịch. Đền là nơi Đông trấn linh từ - đền thiêng trấn giữ phía Đông của kinh đô nước Việt. Khi vua Lý Thái Tổ cho sửa sang, tôn tạo, gần như xây mới lại tòa Đại La Thành, nhưng không hiểu sao thành cứ xây lên là đổ. Lý Thái Tổ bèn đến ngôi đền thờ thần Long Đỗ bên sông Tô Lịch cầu khấn. Đêm ấy, nhà vua mộng thấy có Ngựa Trắng từ trong đền bước ra, đi một vòng từ Đông sang Tây, lại từ Tây về Đông, rồi biến mất vào đến. Biết là thần Long Đỗ đã hiển linh thành Ngựa Trắng chỉ bảo, cứ theo dấu chân ngựa mà xây thành, Lý Thái Tổ răm rắp làm theo, quả nhiên thành công. Cảm cái ơn ấy, vị vua đầu triều Lý, người khai sinh kinh đô Thăng Long đã ban cho ngôi đền thờ thần Long Đỗ bên sông Tô Lịch cái tên: Đền Bạch Mã, nghĩa là đền Ngựa Trắng.

Còn rất nhiều câu chuyện thú vị khác, chuyện về người xây Văn Miếu, vụ án hồ Mù Sương, Hội thơ Tao Đàn, hay nơi Nguyễn Trãi biết Bình Ngô Đại cáo, chiến dịch giải phóng Đông Đô…. Qua những câu chuyện này, hiện lên một Thăng Long huyền thoại, lung linh, hư ảo, mở ra trong tâm trí bạn đọc một không gian tưởng tượng đầy cảm xúc. Một Thăng Long văn hiến hào hùng qua những câu chuyện, con người có thực trong lịch sử như một bức tranh đa màu sắc đang hiện dần lên sống động trước mắt chúng ta.

Uyên Linh

Đăng lúc: 23/03/2011 13:58

Bản để in Lưu vào bookmarkKết nối nhà cung cấp đặc sản, nhà sản xuất, nhà phân phối