Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc (1888-1945)

Hơn nửa thế kỷ bị thực dân Pháp sau đó là phát xít Nhật cai trị, với tinh thần bất khuất, nhân dân Hà Nội không ngừng đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Đấu tranh chống thực dân Pháp dưới ngọn cờ yêu nước

Ngày 1/10/1888, triều đình Huế ký chỉ dụ chính thức dâng Hà Nội cho thực dân Pháp, từ đây, Hà Nội là thành phố theo chế độ nhượng địa của Pháp, trở thành trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của Bắc kỳ và Liên bang Đông Dương.

Các cơ quan đầu não của chính quyền thực dân đều đóng trụ sở ở đây: Phủ Thống Sứ, Toà Thượng thẩm, Sở Mật thám Liên bang Đông Dương, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương.

Thực dân Pháp còn cho hầu hết các công ty tư bản tài chính lớn từ nước Pháp sang đặt trụ sở ở Hà Nội để tăng cường khai thác và bóc lột thuộc địa đồng thời mở rộng buôn bán với Đông Dương và với các nước Châu Âu như ngân hàng Đông Dương, ngân hàng Pháp-Hoa, địa ốc ngân hàng, hãng Đềcuacabô, Poanhsa Vâyrê, Đờniphơre, Gôđa, rượu Phôngten, bia Ômen, công ty Điện-Nước Đông Dương, công ty Bông vải sợi Bắc Kỳ...

Hà Nội cũng là đầu mối giao thông của hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không toả đi khắp Việt Nam và Đông Dương.

Dưới tác động của chế độ thuộc địa nửa phong kiến và phương thức bóc lột tư bản chủ nghĩa do thực dân Pháp du nhập vào, xã hội Hà Nội đã biến đổi sâu sắc. Bên cạnh các giai cấp nông dân, địa chủ, phong kiến và tầng lớp thị dân buôn bán nhỏ, xã hội Hà Nội dần hình thành các giai tầng mới, đó là giai cấp công nhân, tư sản, tầng lớp trí thức, công chức, tiểu tư sản.

Đồng thời, với sự phát triển của các giai tầng này, văn hóa, khoa học, nghệ thuật Hà Nội cũng xuất hiện các loại hình mới, một vài trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu khoa học được thành lập nhằm đào tạo tầng lớp trí thức, công chức phục vụ cho chính quyền Pháp (Viện Viễn Đông bác cổ, Viện Vi trùng học, trường Đại học Đông Dương, trường Y, Sở Địa chất, Sở Địa lý, Nha Khí tượng).

Sách báo và các ấn phẩm văn hóa-nghệ thuật theo trào lưu tư tưởng mới xuất bản bằng hai thứ tiếng Việt, Pháp... ngày càng thịnh hành. Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa, sớm tiếp thu những luồng gió mới, tư tưởng mới của thời đại.

Từ một kinh đô của nhà nước phong kiến Đại Việt trở thành thủ phủ của xứ Đông Dương thuộc Pháp, Hà Nội cũng là nơi tập trung những mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp sâu sắc nhất.

Trong những năm cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX dưới ngọn cờ của các văn thân sĩ phu yêu nước, nhân dân Hà Nội liên tục đứng lên chống thực dân Pháp với nhiều hình thức phong phú. Các cuộc bạo động, ám sát diễn ra ngay trên các khu phố.

Đêm 5/12/1898, nghĩa quân của Vương Quốc Chính đã liên lạc với các tướng lĩnh người Hà Nội, chuẩn bị kế hoạch tấn công vào khu vực hội chợ do Pháp tổ chức tại làng Liên Trì và Nam Ngư (nay là Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt Xô), nhưng việc không thành.

Cũng trong đêm đó, đội nghĩa binh do ông Tuần Vọng chỉ huy đã nổ súng tấn công đồn Ngọc Hà (nay thuộc Ba Đình). Sau trận này, giặc Pháp đã chém đầu 50 người và bắt hàng trăm người đi đày ở Côn Đảo.

Nhưng người dân Hà Nội không chùn bước. Ngày 27/6/1908, nghĩa quân Đề Thám phối hợp với lực lượng nội ứng trong thành Hà Nội đã tiến hành đầu độc binh lính Pháp, làm cho chúng kinh hoàng.

Ngày 26/4/1913, anh công nhân Nguyễn Văn Tuý ném tạc đạn giết chết 2 sĩ quan Pháp và làm bị thương một số tên trong khách sạn Hà Nội trên phố Tràng Tiền. Giặc Pháp điên cuồng khủng bố, xử tử những người yêu nước, bêu đầu ở Ô Cầu Dền, Cầu Giấy, Chợ Mơ, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, giam cầm các lãnh tụ nghĩa quân ở Hoả Lò, Côn Đảo, nhưng nhân dân vẫn bất khuất chống Pháp.

Song song với các hoạt động có vũ trang, nhân dân Hà Nội sôi nổi tham gia các hoạt động theo khuynh hướng cải cách của các sĩ phu yêu nước: Phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục do Lương Văn Can khởi xướng.

Bằng các hình thức khuyến khích thanh niên sang Nhật để học văn minh nước Nhật, dịch sách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu (Trung Quốc), J.Russo, Montesquieu (Pháp), mở trường lớp ngay tại số 4 Hàng Đào, diễn thuyết trước đông đảo quần chúng, các sĩ phu đã thổi một luồng tư tưởng mới - dân chủ tư sản vào các tầng lớp nhân dân, mở ra bình diện đấu tranh mới theo khuynh hướng yêu nước, đòi tự do, dân chủ sôi sục trong những năm đầu thế kỷ XX với các hoạt động như đòi thực dân Pháp ân xá cho cụ Phan Bội Châu (1925), tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh (1926) và làm lễ tại đền Đồng Nhân; tưởng niệm cụ Lương Văn Can tại nghĩa trang Hợp Thiện (1927) để biểu dương tinh thần yêu nước chống Pháp; ra sách báo tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ nhân dân mở mang dân trí, học chữ quốc ngữ, tăng cường thực nghiệp, bài trừ hủ nho, làm cho dân giàu nước mạnh...

Tầng lớp trí thức tiểu tư sản yêu nước tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản đã lập ra các tổ chức mới: Việt Nam nghĩa hoà đoàn của sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm, Việt Nam quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu. Tuy còn những hạn chế, nhưng các tổ chức này đã góp phần vào phong trào yêu nước và dân chủ của nhân dân Hà Nội.

Tinh thần yêu nước bất khuất, chống thực dân Pháp xâm lược là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân Hà Nội. Đó chính là mảnh đất để lãnh tụ Nguyễn ái Quốc và những hội viên Hội Việt Nam thanh niên cách mạng gieo hạt giống đỏ của chủ nghĩa Mác-Lênin, đưa phong trào đấu tranh của đội ngũ công nhân và nhân dân Hà Nội đến với cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc.

Minh Ngọc

Đăng lúc: 21/04/2011 09:10

Bản để in Lưu vào bookmarkKết nối nhà cung cấp đặc sản, nhà sản xuất, nhà phân phối